+++ Chào mừng các bạn ghé thăm Vườn lan Tôn Quang. Chúng tôi chuyên cung cấp các loại hoa lan với nhiều chủng loại, màu sắc đa dạng phong phú, các loại vật tư thiết bị ngành lan, phân bón chuyên dùng và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật chăm sóc hoa lan. Chân thành cảm ơn quý khách đã ủng hộ, quan tâm đến Vườn lan Tôn Quang +++

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Cách sử dụng phân bón cho Phong Lan


Cũng như nhiều loại cây trồng khác, Phong Lan đều trải qua nhiều giai đoạn sinh trưởng khác nhau: cây còn nhỏ, cây trưởng thành, chuẩn bị ra hoa,….Mỗi giai đoạn cần được cung cấp tỷ lệ các loại phân bón thích hợp. Bón phân không đúng cách Lan không phát triển, không ra hoa, hoặc nếu có ra hoa thì hoa không đẹp, mau tàn, dễ rụng non,….

         
            

          Hoa Lan là loại hoa có cấu trúc kiêu kỳ và phức tạp; bao gồm 25.000 đến 35.000 loài có mặt khắp toàn cầu, nhưng tập trung nhiều nhất là vùng nhiệt đới. Loại thực vật kỳ diệu này không chỉ được trồng ở nông thôn, ngoại thành mà ngay cả nội thành hoặc bất cứ nơi nào cũng có thể trồng được.
          Trồng Lan là thú vui tao nhã; còn gì vui sướng hơn sau bao ngày tỉ mẩn chăm chút, cây Lan nở bừng những đóa hoa đằm thắm, mượt mà! Nhưng không phải ai cũng đạt được sản phẩm “ đẹp nhất vũ trụ” dù đã bỏ ra khá nhiều thời gian và công sức.
          Trồng Lan không ra hoa có nhiều nguyên nhân: Giống Lan không thích hợp với môi trường, nhiễm bệnh, khô nóng,….nhưng phổ biến nhất là do bón phân không đúng cách.
          Cũng như nhiều loại cây trồng khác, Phong Lan đều trải qua nhiều giai đoạn sinh trưởng khác nhau: cây còn nhỏ, cây trưởng thành, chuẩn bị ra hoa,….Mỗi giai đoạn cần được cung cấp tỷ lệ các loại phân bón thích hợp. Bón phân không đúng cách Lan không phát triển, không ra hoa, hoặc nếu có ra hoa thì hoa không đẹp, mau tàn, dễ rụng non,….
          Phân bón sử dụng cho Lan có thể là phân hữu cơ (phân trâu bò, tôm cá, phân heo, phân dơi, bánh dầu,….ngâm và pha loãng); các loại vitamin B1, B6, B12, B complex, C….Phổ biến và thông dụng nhất vẫn là các nguyên tố đa lượng: Đạm (N), Lân (P), Kali (K).
          - Đạm (N) là nguyên tố quan trọng, là một trong những chất dinh dưỡng cơ bản có tác dụng làm cây Lan tăng trưởng nhanh, phát triển chồi, lá nên phù hợp cho cây Lan con trong giai đoạn tăng trưởng. Thiếu đạm, cây Lan sẽ còi cọc, ốm yếu, vàng vọt.
          - Lân (P) giữ vai trò quan trọng trong quá trình hô hấp và quang hợp, giúp việc hấp thu đạm được dễ dàng, phát triển bộ rễ, kích thích nẩy chồi, đẻ nhánh, thúc đẩy quá trình hình thành hoa; cây Lan trưởng thành cần tăng tỷ lệ lân để ra hoa. Ngoài ra, lân còn giữ cho hoa lâu tàn. Thiếu lân, cây Lan không lớn, khó ra hoa, rễ ít phát triển, không ra chồi non và cây Lan dễ bị nhiễm bệnh.
          - Kali (K) giúp Lan cứng cáp, kích thích ra chồi mới, màu hoa tươi đẹp, lâu tàn.
          Ngoài các nguyên tố đa lượng N, P, K, trên thị trường còn bán nhiều loại phân hỗn hợp có chứa các nguyên tố vi lượng (Trace element, viết tắt là TE). Trồng Phong Lan nên chọn phân bón đa lượng và vi lượng với những tỷ lệ khác nhau.
          NPK 30.10.10 giúp cây phát triển nhanh. Sử dụng cho cây Lan còn nhỏ, chồi non mới tách ra, giúp Lan ra rễ, nhảy con, phát triển thân, lá.
          NPK 20.20.20 giúp cây Lan phát triển đồng đều.
          NPK 10.30.10 chứa nhiều lân nên có tác dụng kích thích quá trình hình thành hoa. Loại phân này sử dụng cho cây Lan trưởng thành để cho ra hoa.
          NPK 10.10.30 có tỷ lệ Kali cao nên sử dụng cho Lan vừa chớm ra hoa, giúp cây cứng cáp, phát hoa dài, thẳng, hoa rực rỡ, lâu tàn.
          Tuỳ giai đoạn phát triển của cây Lan mà chọn loại phân thích hợp. Nguyên tắc là khi cây Lan còn nhỏ phải dùng loại phân có tỷ lệ đạm cao để giúp cây tăng trưởng mạnh. Cây đã trưởng thành dùng loại phân có tỷ lệ lân cao để thúc đẩy quá trình ra hoa. Khi cây chớm ra hoa thì dùng loại phân có tỷ lệ Kali cao để hoa thêm rực rỡ, lâu tàn.
          Chú ý áp dụng liều lượng ghi trên bao bì. Thông thường 1 muỗng cà phê/4 lít nước/50 chậu, phun sương vào lúc sáng sớm, không bao giờ dùng phân bón với nồng độ cao.

Kỹ thuật nhân giống hoa Phong Lan phần 1


Loài thích hợp cho trồng lan kinh doanh là Dendrobium, Mokara, Vanda, Phalaenopsis, Oncidium, Cattleya…đây là những loài cho hoa khoẻ, đẹp và bền cây, cho thu hoạch liên tục. Tuỳ theo mục đích trồng để cắt cành hay trồng chậu và tuỳ theo điều kiện khí hậu của vùng trồng, chọn giống trồng phù hợp thì mới có hiệu quả.
Có 2 phương pháp nhân giống lan đó là: nhân giống hữu tính và vô tính
1. Nhân giống hữu tính
Chọn những quả lan có kích thước to, tròn, không dị dạng, không sâu bệnh để làm hạt giống. Trong thực tế phương pháp này khó thành công vì phần lớn hạt thường bị chết do khó gặp nấm cộng sinh cần thiết để nẩy nầm. Trong điều kiện ẩm ướt (rừng già) hay vùng nhiệt đới mới đủ điều kiện cho hạt lan nẩy mầm.
2. Nhân giống bằng phương pháp vô tính
Nhân giống bằng cách tách chiết
Đối với lan đơn thân:
Tiến hành cắt chiết khi cây được 8 - 10 tháng tuổi, có nhiều tầng rễ. Khử trùng dụng cụ, cắt ngang phần gốc, để lại ít nhất từ 1 hoặc 2 đôi lá gần gốc, phần ngọn đảm bảo có 2 - 3 tầng rễ. Đối với hoa Mokara, Vanda... trong điều kiện cây cao 0,8 - 1 m mới tiến hành cắt chiết thì khả năng đâm tược mới càng nhanh và mạnh.
Phần ngọn sau khi cắt nhúng vào dung dịch thuốc trừ nấm Benlat C 1/2000 và dung dịch kích thích ra rễ NAA (Naphtalen Acetic Acid) 0,5ppm sau đó đem trồng vào chậu hoặc trồng lên luống.
Phần gốc sau một thời gian sẽ mọc 1 - 3  tược (chồi) mới gần chỗ cắt. Những tược  này sau đó lớn lên, ra rễ. Có thể tiếp tục cắt phần ngọn các tược này đem trồng hoặc để đến khi ra hoa.
 Đối với lan đa thân:
Tiến hành tách cây con (giả hành) khi cây cao khoảng 15 - 20 cm.
+ Ngâm chậu lan vào thau nước trong vòng 30 phút.
+ Gở rễ bám ngoài chậu bứng cây ra khỏi chậu.
+ Gở bỏ chất trồng củ, mục. Cắt rễ hư thúi.
+ Dùng đèn cồn để khử trùng dụng cụ cắt chiết.
+ Cắt từng đơn vị 2 - 3 giả hành ở vị trí thích hợp.
+ Sau đó nhúng vào dung dịch nấm bệnh và kích thích ra rễ rồi trồng vào chậu.
+ Trồng từng đơn vị vào chậu mới.
3. Nhân giống bằng nuôi cấy mô
Nuôi cấy mô là phương pháp nhân giống phổ biến hiện nay được áp dụng trên cây lan và nhiều loại cây khác. Do ưu điểm là cây con sạch bệnh, khả năng nhân gống nhanh.
Vật liệu nuôi cấy có thể từ đỉnh sinh trưởng của cây con được ươm từ hạt hoặc cây đã trưởng thành. Các giai đoạn nuôi cấy: khử trùng mẫu, đưa cấy vào môi trường MS (môi trường cơ bản nuôi sống cây), môi trường nhân chồi, môi trường tạo rễ, đem ra trồng. Toàn bộ quá trinh từ khi bắt đầu đến khi đưa cây con ra trồng là khoảng 6 tháng. Càng về sau thời gian sản xuất cây con càng nhanh.


Kỹ thuật nhân giống hoa Phong Lan phần 2



            Với những phát minh và kỹ thuật khoa học mới mẻ, chuyện nhân giống hoa lan không còn ở phạm vi cắt cành, tách nhánh hay gieo hạt theo phương thức cổ xưa khi được khi không nữa.
            Trong phạm vi bài này chúng tôi xin chỉ trình bày việc nhân giống một cách tổng quát để chúng ta có một ý niệm chung. Nếu muốn hiểu rõ ngọn ngành cần phải tìm hiểu kỹ càng hơn hay nói cách khác là phải theo một lớp huấn luyên chuyên ngành.
1. Tách nhánh
            - Nhiều giống lan mỗi năm mọc thêm vài ba nhánh mới. Sau vài năm cây lan đã trở thành một khóm lớn có 9 - 10 nhánh. Những nhánh già nếu để lại chỉ là chiếc bầu chứa nước chứ không ra hoa và cũng không mọc cây non nữa. Để lại chỉ thêm chật chỗ, nhưng nếu tách rời ra, những nhánh già vì lý do sinh tồn sẽ mọc cây non. Khi tách ra, chúng ta cần phải có từ 3 - 5 nhánh. Nếu chỉ có 1 - 2 nhánh cây có thể chết vì không đủ sức, những nhánh non dù có mọc ra cũng khó lòng có hoa được.
            - Khi tách nhánh nên dùng dao kéo đã khử trùng và phun thuốc sát trùng vào các vết cắt hay những chỗ bị phạm. Thời gian tách nhánh tốt nhất là sau khi hoa tàn hay trong mùa hè. Không nên tách vào cuối mùa thu hay mùa đông.



 
2. Tạo củ giả
            Khi tách ra, những củ già của các giống lan như Cymbidium, Oncidium, Encyclia, Stanhopea ... đừng nên vất đi, vì những củ này thường mọc ra cây non. Cần phải cắt bỏ rễ thối, lá già rồi để vào chỗ rợp mát, thỉnh thoảng phun nước cho củ khỏi khô héo. Khoảng vài tháng sau các củ này sẽ mọc cây non, đợi khi cây mọc rễ khoảng 4 - 5 cm hãy đem ra rồng.
 3. Tách cây con
            Những  loài  như  Phalaenopsis  hay  Dendrobium  thường  mọc cây non (keiki) sau khi hoa đã tàn. Khi đó chúng ta vẫn tưới bón cho cây mẹ như thường. Khi cây non ra rễ dài khoảng 4 - 5 cm sẽ dùng dao kéo đã khử trùng tách ra và đem trồng với những vật liệu cỡ nhỏ.



4. Cắt cành
            Chúng ta cũng có thể nhân giống bằng cách cắt khúc cành hoa hay thân cây với những loại lan sau:
 a) Phalaenopsis
            Là một loài lan thân đơn, ít khi mọc cây con ở gốc, nhưng lại hay mọc cây con ở trên đốt của cành hoa.
            Có 3 cách nhân giống:
            - Khi bông hoa đầu tiên vừa nở, phía dưới có 2 - 3 đốt không có hoa nhưng có chiếc vỏ bọc. Dùng dao hay tăm nhọn tách vỏ này ra, tránh phạm đến mầm bên trong, bôi thuốc mọc cây non (keiki paste) có chất Cytokinin giá bán khoảng 4 - 5$ USD vào mầm đó. Khi hoa tàn hãy cắt phía trên đi. Vài tháng sau sẽ mọc cây con, khi cây con ra rễ dài 4 - 5 cm, cắt ra và đem trồng
            - Khi hoa đã tàn hết, cắt cành hoa sát đến tận gốc rồi cắm vào trong ly nước có pha phân bón 30 - 10 -10 rất loãng 1/4 thìa cà phê cho 4 lít nước và lâu lâu lại thay nước một lần. Có người dùng nước dừa (coconut milk) thay cho nước lạnh, nhưng cách này dễ bị nhiễm trùng hay nhiễm nấm cho nên cần phải cho vài giọt Physan 20 hay Peroxide hydrogen vào. Để ở nơi rợp mát với nhiệt độ từ 75 - 80°F hay 25°C trở lên, vài tháng sau sẽ mọc cây non ở các đốt.
            - Cắt các đốt ở dưới bông hoa đầu tiên (những đốt không có hoa) mỗi đầu chừa ra khoảng 2 - 3 cm, ngâm vào nước sát trùng trong vòng 20 phút rồi bỏ vào trong một chiếc bình bịt kín lai và để như trên.
b) Dendrobium, Phaius
            Khi hoa tàn, cắt thân cây ra từng khúc như hình dưới hay để nguyên cây, ngâm vào nước có pha chất sát trùng rồi đặt lên khay có rêu sphagnum moss. Để vào chỗ rợp mát và ấm như trên, vài tháng sau sẽ mọc cây con. 
c)  Aerides,  Ascocenda,  Arachnis,  Renathera,  Vanda, Staurochilus ...
            - Những cây lan thuộc các loài kể trên thường mọc quá dài và một đôi khi lại bị thối ngọn hay thối gốc nhất là Ascocenda và Vanda. Trường hợp này nếu không cắt ra và kịp chữa trị cây sẽ chết.
            - Khi cây lan mọc quá dài, có thể cắt ra làm nhiều đoạn theo như hình bên, mỗi đoạn cần tối thiểu phải có từ 3 - 5 đốt và 2 - 3 rễ, gốc cây cũng vậy. Sau đó bôi thuốc sát trùng vào 2 đầu, có thể dùng vôi ăn trầu thay thế.
            - Nếu cây bị thối ngọn, hay thối gốc, dùng dao thật sắc đã khử trùng để thân cây không bị dập. Cắt cho tới khi nào không còn thấy chấm đen ở trong lõi và phải cắt thêm vào chừng 3 cm nữa, bôi thuốc sát trùng và để vào chỗ mát và ấm mỗi ngày phun nước một lần, nhánh mới và rễ mới sẽ mọc ra.
5. Thụ phấn
            Nếu chỉ muốn thu phấn (hand pollination) hay lai giống một vài cây như Cymbidium, Cattleya chúng ta có thể thực hành trong một vài phút, nhưng nếu muốn có hoa đẹp chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ càng. Bởi vì khi thụ phấn giữa những bông hoa cùng một cây hay với 2 cây khác nhau. Thí dụ ta khi lai cây hoa vàng với cây hoa đỏ tưởng sẽ là có mầu cam nhưng kết quả không như ý muốn bởi vì nhưng cây cha và cây mẹ có khi đã lai giống nhiều lần. Chỉ có những giống lan nguyên thủy mới giữ được nguyên tính một phần nào.
6. Gieo hạt
            Nhân giống bằng cách gieo hạt (seedling) gồm có 3 điều chính yếu:
            - Thời điểm lấy hạt, có giống phải lấy hạt khi quả lan còn xanh, có giống lại phải đợị khi quả chin. Thời gian khoảng từ 50 ngày cho tới 260 ngày, trái lan có thể cho từ vài chục cho đến trên nửa triệu hạt.
            - Việc trồng lan từ hạt hay trồng lan trong ống nghiệm không phải là dễ dàng, cần phải có những dụng cụ và nhiều lần kinh nghiệm. Vấn đề chính là phải khử trùng khử nấm trước khi geo hạt.
            - Thời gian từ khi mọc ra từ hạt cho tới khi ra hoa khoảng từ 2 năm như Phalaenopsis và 9 - 10 năm cho Dendrobium speciosum.
7. Cấy mô
            - Cấy mô là kỹ thuật nhân giống nhanh chóng và hữu hiệu nhất. Người ta có thể cấy một loạt ra hàng ngàn hay hàng trăm ngàn cây lan nhỏ với đặc tính y hệt như cây lan mẹ.
            - Những cây lan nhỏ này được lấy ra từ tế bào của lá, rể nhưng phần lớn từ lõi của các mầm non mới mọc. Thông thường người ta cắt thành 20 mảnh nhỏ, sau đó được bỏ vào trong một dung dịch đặc biệt rồi cho vào máy lắc chậm chạp xoay vòng hoặc nghiêng sang bên  phải rồi bên trái, để cho  các mảnh này chỉ lớn lên và không ra lá hay ra rễ.
            - Sau đó lại cắt ra thành 300 - 400 mảnh rồi tiếp tục như vậy cho tới 7.000 - 8.000 mảnh nhỏ hay nhiều hơn nữa. Cuối cùng người ta cho vào những chai (Flask) để cho cây mọc lên như gieo từ hạt.
            - Nếu các bạn muốn nhân giống hãy chịu khó đọc kỹ để hiểu bíết tường tận về phương pháp, kỹ thuật, dụng cụ ... để không đến nỗi hoàn toàn thất bại.

Để có hoa lan nở quanh năm


Chúng ta nên biết rằng hầu hết hoa lan mỗi năm chỉ nở hoa một lần vào một mùa nào đó, ngoại trừ một vài giống như Ascocenda hay Vanda có thể nở hoa 2-3 lần trong một năm. Để có hoa lan để quanh năm, muốn có được chậu chậu hoa lan nở đúng Tết, đó là mong muốn của người trồng lan

             Muốn lan nở đúng vào Tết Nguyên Đán, ta phải chọn một số lan nở hoa vào dịp này. Nhưng nên nhớ lan có thể nở sớm hay muộn 1-2 tháng tùy theo thời tiết nóng hay lạnh, ngoại trừ chúng ta nuôi ở trong nhà kính có thể điều hòa nhiệt độ, ánh sáng, ẩm độ theo ý muốn.
            Do đó nếu trồng ở ngoài trời mà muốn có hoa lan nở quanh năm phải có sự tính toán và hiểu biết căn cứ vào những điểm sau:
            - Lựa giống lan nở vào những mùa nhất định.
            - Chọn những giống hoa lâu tàn.
            - Nuôi trồng đúng cách.
Hoa lan Ngọc điểm chỉ nở vào mùa xuân
1. Lựa chọn giống  hoa lan
            Đa số nở hoa vào mùa Xuân như Cymbidium, Dendrobium, vào mùa Hạ như Stanhopea hay mùa Thu như Paphiopedilum.
            Nhiều cây tuy cùng một loài nhưng lại nở hoa vào thời điểm khác nhau như Phalaenopsis hay Epidendrum hay Cattleya.
  Epidendrum Radicans- hoa lan nở bất cứ vào thời điểm nào trong năm
             Có những giống lan nở bất cứ vào thời điểm nào trong năm như Brassavola nodosa, Epidendrum ibaguense hay Epidendrum radicans. Phần đông là những cây đã lai giống nhiều lần như: Phalaenopsis, Cattleya. Epicat. v.v… cho nên sẽ ra hoa bất cứ khi nào cây đã đủ lớn.
            Vì vậy muốn có hoa nở quanh năm, chúng ta phải lựa chọn giống lan:
            - Chia theo mùa hoa nở vào Xuân, Hạ, Thu Đông.
            - Sau đó chúng phải xem loài lan hay giống lan nào thích hợp với nơi chúng ta đang ở. Lập một bản liệt kê rồi sẽ mua lan.
            - Khi mua nên hỏi người bán về mùa hoa nở, tốt hơn hết là nên có một cuốn sách có nói về mùa nở hoa. Thông thường khi ta mua cây có hoa vào tháng nào, sang năm sẽ nở hoa vào tháng đó.
2. Chọn những giống hoa lâu tàn.
            Hoa lan, thông thường sẽ tàn trong khoảng 2 tuần lễ, nhưng cò tùy thuộc vào nhiệt độ. Nếu quá nóng sẽ sớm tàn và nếu lạnh xuống khoảng 50°F hay 10°C sẽ lâu tàn hơn.
Psychopsis papilio- nở hoa từ 3-4 tuần và nở liên tiếp trong mấy tháng liền
            - Cymbidium, Renanthera hoa tàn trong khoảng 8-10 tuần
            - Phalaenopsis có khi 10-12 tuần mới tàn và hoa nở liên tiếp tới 3-4 tháng.
            - Dendrobium lai giống mầu xanh tím từ 8-10 tuần.
            - Cattleya từ 2-4 tuần tùy theo giống.
            - Paphiopedilum từ 4-8 tuần.
            - Psychopsis từ 3-4 tuần và nở liên tiếp trong mấy tháng liền.
            - Vanda, Mokara từ 3-6 tuần.
            Nên nhớ, những giống nào có cánh hoa dầy sẽ lâu tàn hơn những giống có cánh hoa mỏng.
     
             Grammatophyllum multiflorum - hoa phải 8-9 tháng mới tàn (Loài lan này ở Hà Nội thường được gọi là lan Nữ hoàng hay Vũ nữ hoàng hậu)
            Đặc biệt cây Grammatophyllum multiflorum hoa phải 8-9 tháng mới tàn. Ngược lại Sobralia và Stanhopea chỉ 2-3 ngày là đã tàn nhưng có nhiều dò hoa hay nở liên tiếp cho nên có khi cả tháng mới hết hoa.
3.Nuôi trồng đúng cách.
            Nếu không nuôi trồng đúng cách hoa lan sẽ không ra hoa, hoặc hoa sẽ không nhiều, không đẹp. Vì vậy cần phải cung ứng cho  hoa lan những điều kiện nuôi trồng thích hợp:
Dendrobium – nếu ban đêm không lạnh xuống 50°F hay 10°C khoảng 3-4 tuần lễ cũng không ra hoa
             Dendrobium – nếu ban đêm không lạnh xuống 50°F hay 10°C khoảng 3-4 tuần lễ cũng không ra hoa
            - Ánh sáng nếu thiếu, cây sẽ yếu đuối và sẽ không ra hoa. Nếu quá nắng cây sẽ còi cọc, vàng úa, hoa nhỏ và ít.
            - Nếu quá nóng hay quá lạnh cây sẽ không phát triển và chết dần.
            - Nếu không có sự cách biệt giữa nhiệt độ ban ngày và ban đêm khoảng 15°F hay 8°C lan sẽ không ra hoa.
            - Nhiều giống Cymbidium, Dendrobium hay Paphiopedilum nếu ban đêm không lạnh xuống 50°F hay 10°C khoảng 3-4 tuần lễ cũng không ra hoa.
            - Dendrobium, Rhynchostylis nếu tưới nhiều nước vào Thu-Đông sẽ không có hoa hoặc rất ít.
            - Nhiều giống như Ascocenda, Vanda, Mokara cần nhiều ánh sáng và phân bón mới ra hoa.
            - Trái lại nhiều phân bón cây sẽ chết như Disa, Masdevallia chẳng hạn.
           
 Vanda ascocenda - nhiều phân bón cây sẽ chết
            Nói tóm lại khi muốn lan ra hoa quanh năm, chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ càng mới có kết quả mỹ mãn.
4. Mùa Hoa Lan Nở
            Phần đông các loài lan nguyên giống (species) sẽ nở hoa vào các mùa như sau:
Giống lan
Mùa Hoa Lan Nở
Aerides (Giáng hương)
Xuân
Angraecum
Thu-Đông và Xuân
Brassavola
mùa Xuân
Bulbophyllum (Cầu diệp)
Xuân và một số ít vào Thu
Calanthe (Kiều lan)
Xuân cho đến Thu
Cattleya (Cát lan)
đủ 4 mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông
Coelogyne (Thanh Đạm)
một số nở vào mùa Xuân-Hạ, một số khác nở vào mùa Thu-Đông
Cymbidium (Lan Kiếm)
Đông-Xuân, riêng giống Cym. ensifolium nở vào cả 4 mùa
Dendrobium Úc châu
bắt đầu nở từ tháng mùa Xuân dù là ở Úc hay ở Hoa kỳ
Dendrobium (Đăng lan, Hoàng Thảo) Á châu
Xuân-Hạ
Encyclia
đủ cả 4 mùa
Eulophia (Luân lan)
Xuân-Hạ
Holcoglossum (Tóc tiên)
tuỳ theo giống nở vào Xuân-Hạ-Thu-Đông
Laelia
Thu-Đông và Xuân
Odontoglossum
Thu-Đông và Xuân
Oncidium(Vũ nữ)
Xuân-Hạ
Paphiopedilum (Nữ hài)
Thu-Đông và Xuân
Phaius (Hạc Đính)
Xuân-Hạ
Phalaenopsis (Hồ Điệp)
Đông-Xuân và Hạ
Renanthera (Huyết nhung, Phượng vĩ)
Xuân, Hạ và Thu
Schomburgkia
Xuân-Hạ và Thu
Sobralia
Xuân-Hạ
Stanhopea
Hạ
Vanda
Xuân-Hạ và Thu
Theo Bùi Xuân Đáng


Thế nào là trồng lan đúng cách?

Coelogyne mooreana
Thông thường tất cả các loài lan cũng như các loài cây khác đều trải phải qua 4 thời kỳ hay giai đoạn cần thiết như sau:
1. TĂNG TRƯỞNG (growing period)
            Vào mùa Xuân, lan thường ra hoa, mọc mầm non, và rễ cây bắt đầu mọc. Đây là thời gian thích hợp nhất để thay chậu, vì chậu cũ đã chật hay vật liệu trồng đã mục nát. Khi thay, nên dùng chậu mới và lớn hơn để lan có thể mọc trong 2 năm. Nên nhớ lan Dendrobium và nhiều giống nguyên thủy ưa chậu chật hẹp và không ưa thay chậu. Vật liệu trồng lan cần chọn thứ lâu mục và ngâm nước tối thiểu 24 giờ, nếu là vỏ dừa hay sơ dừa cần ngâm nhiều ngày và nhiều lần (Xin xem bài "Trồng lan bằng gì?" và "Thay chậu ra sao?"). Vào giai đoạn này tiết trời ấm áp, ánh nắng chan hòa, cây cần nhiều nước và phân bón. Nếu cung cấp đầy đủ mầm non sẽ tăng trưởng mạnh mẽ cho hết mùa Hạ và có thể sang tới đầu mùa Thu.
Tưới Nước

            Khi mầm non mọc cao chừng 10 phân, chúng ta nên tưới mỗi tuần 1 lần nếu nhiệt độ trên 65-70°F hay 18-21°C, và tưới mỗi tuần 2 lần khi nhiệt độ trên 75-80°F hay 24-27°C. Vào mùa Hè cây non đã cao lớn lại cần nhiều nước và phân hơn nữa cho nên có thể tưới 3 lần một tuần hoặc có thể tưới nước hàng ngày khi nhiệt độ lên tới 90-100°F hay 32-38°C. Khi này nên tưới vào ban đêm để cho rễ cây và thân lá được mát mẻ, không bị ánh nắng hâm nóng và làm cho nước bốc hơi mau lẹ và tăng thêm độ ẩm lâu dài.
Phân Bón
            Vào thời kỳ này nên dùng phân 30-10-10 hàng tuần cho cây mọc mạnh. Nên biết rằng trong phân bón gồm có các chất theo thứ tự trước sau:
            30- Nitrogen (N) chất đạm, tốt cho thân,
            10- Phosphorus (P) chất lân, tốt cho hoa, trái.
            10- Potassium (K) chất pô tát, tốt cho rễ củ.
            Nếu ít cây, nên dùng 15-15-15 hay 20-20-20 cho giản tiện. Nên nhớ, bón quá nhiều cây sẽ bi cháy lá, còi cọc hay có thể chết. Chỉ nên dùng ¼ hay ½ thìa cà phê gạt cho 4 lít nước. Những vườn lan thương mại trồng lan trong nhà kính, có thể kiểm soát được nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm theo ý muốn cho nên thường bón phân tối đa. Cũng vì lẽ đó khi chúng ta mua lan về, năm sau khó lòng có hoa nhiều và đẹp như họ. Một phần nào cũng vì sự bón phân quá mạnh đã làm cho cây bị kiệt sức.
            Thiếu nước, phân bón và ánh sáng thân lá lan sẽ xanh tươi, mềm mại và không lớn được, một vài loài như Oncidium, Miltonia, Odontoglossom, Paphiopedilum cần phải giữ cho rễ luôn luôn ẩm ướt, nếu để rễ quá khô lá cây sẽ bị chun lai, cây sẽ bị thui chột rất khó phục hồi.
2. NGỦ NGHỈ (dormancy period)
            Vào mùa Thu, cây ngưng tăng trưởng cần dưỡng sức để chuẩn bị ra nụ. Quan sát kỹ lưỡng chúng ta sẽ thấy vào thời gian này rễ không mọc nữa. Tùy theo loài lan, thời kỳ này có thể kéo dài từ giữa mùa Thu cho đến giữa hoặc hết mùa Đông. Trong thời kỳ này chúng ta cần phải thay đổi phân bón và bớt tưới nước. Nên nhớ rằng những cây lan nguyên thủy cần ít phân bón và cần it chất đạm hơn những cây lan đã lai giống.
            Đây là thời kỳ chuẩn bị để ra hoa, nếu dùng phân bón 30-10-10 nên đổi sang loại có chỉ số Nitrogen thấp như 10-30-20 hay 10-50-20. Nếu dùng phân 20-20-20 hay 15-15-15 không cần phải thay đổi. Nếu vẫn bón nhiều phân có nhiều chất đạm, Nitrogen (N) cao, tưới nhiều nước, cây lan sẽ bị thối rễ, lá sẽ bị rụng và nụ hoa sẽ bị thui. Vào giai đoạn này cây lan cần có nhiều cần có nhiều chất Phosphorus để cho nhiều hoa và không cần đến nhiều lá hay Nitrogene nữa.
            Nếu chúng ta vẫn cứ bón với phân 30-10-10, cây sẽ tiếp tục ra lá và mọc thêm cây con (keiki, plantlets) trường hợp này thường thấy ở các loài Dendrobium, Phalaenopsis.          Còn các loài khác như Cattleya, Cymbidium, Oncidium v.v... có thể sẽ ra mầm non, những cây non này ra trái mùa này sẽ không mạnh khỏe, èo uột không lớn được và khó lòng có hoa, những mầm này nên cắt bỏ.
            Bớt tưới nước nhưng không có nghĩa là để quá khô làm cho củ bẹ nhăn nhúm lại. Thời gian này cần phải tăng thêm độ ẩm. Chúng ta khó lòng tưới bón tất cả các loài lan giống y như nhau. Những giống lan rụng lá khi ra hoa như Dendrobium anosmum, Den. aphyllum v.v... lá bắt đầu vàng đi và rụng vào cuối Thu và đầu mùa Đông. Những cây này nên treo ngang hay ngược để khỏi bị đọng nước trong chậu, dồn nhựa cây lên ngọn và sẽ cho nhiều hoa hơn. Nhưng các cây lan Dendrobium xanh lá quanh năm như: Den amabile, Den. farmeri, Den. thyrsiflorum v.v... vẫn phải tưới nước, nhưng vì cây không mọc cho nên không cần tưới nhiều nước, nghĩa là tưới khoảng 1 lần mỗi tuần lễ hay 10 ngày một lần. Tuy vậy phải tùy theo khí hậu khô hay ẩm ướt, không nên để quá khô làm cho thân, bẹ hay củ nhăn nheo.
            Có nhiều giống lan như Cymbidium, Laelia v.v... từ khi đâm nụ cho tới khi nở hoa cũng phải vài ba tháng vì vậy chớ nên nóng lòng vội vã. Cattleya có nhiều giống nụ đã thàanh hình trong vỏ bọc hay lưỡi mèo (sheath) nhưng đợi tới mùa mới nở. Hãy để ý nếu thấy vỏ bọc úa vàng hãy xé theo chiều dọc để không khí và độ ẩm thấm vào nụ hoa, nếu không nụ sẽ bị thui chột.
            Những loài lan như Cynoches, Catasetum, Chysis v.v... vào thời gian này lá đã rụng hết, cần phải để khô hoàn toàn nếu không sẽ bị thối củ. Lấy cây ra khỏi chậu rũ bỏ các chất trồng, treo ngược cây xuống thỉnh thoảng phun nước cho khỏi teo lại. Khi nào thấy cây nhú mầm sẽ trồng trở lại, tưới rất ít cho đến khi cây non đã nhú mầm hoa mới tưới và bón phân.
            Vào thời gian này, ban đêm nếu không lạnh dưới 60°F hay 15°C trong vòng 6 tuần lễ hay hơn nữa các loài lan như Cymbidium, Dendrobium rụng lá và Paphiopedilum khó lòng ra hoa.
            Những mầm non mọc trái mùa tức là mọc vào mùa Thu, nên cắt bỏ để cho cây ra nhiều hoa, bởi vì nhưng cây này không thể lớn mạnh được vì lạnh lẽo và thiếu nước. Những chồi hoa mọc muộn và nhỏ quá cũng nên cắt bỏ, để cho các chồi hoa khác được khỏe mạnh và nhiều hoa hơn.
3. NỞ HOA (blooming period)
Den. apphylum
Den. apphylum

            Bắt đầu vào cuối mùa Đông, đầu Xuân cây bắt đầu nhú nụ và nở hoa. Thời gian này lan cần đến nước nhưng không cần quá nhiều, trời còn lạnh cho nên nếu tưới nhiều nước có thể làm cho rễ bị thối vì úng nước. Vào thời gian này tùy theo nhiệt độ và chậu lớn hay nhỏ mà tưới nước. Nếu nhiệt độ trên 60°F hay 15°C, những chậu lớn trên 1 gallon hay 4 lít chỉ cần tưới 1 tuần một lần, nếu chậu nhỏ có thể tưới 1 tuần 2 lần.
4. DƯỠNG SỨC (Resting period)
            Khi hoa bắt đầu tàn hay tối đa là một tháng nên cắt bỏ dò hoa để dưỡng sức cho cây, không nên để trong nhà và để hoa quá lâu nhất là những cây Cymbidium, Phalaenopsis, Dendrobium v.v... Nhiều người đợi đến khi tàn bông hoa cuối cùng mới chịu cắt bỏ, như vậy cây sẽ không đủ sức ra cây non hoặc nếu có cây non cũng không được mạnh mẽ.
            Thời gian này các cây lan cần nghỉ ngơi dưỡng sức để chuẩn bị mọc cây non. Tùy theo loài, có loài cần khoảng một hai tuần, có khi một vài tháng. Trong thời gian này chỉ tưới rất ít và không nên bón phân cho lan.
            Nguyên tắc chung là như vậy, có một điều là các giống lan lại không mọc hay nở hoa vào cùng một mùa, việc này lai càng khó hơn khi có một vài trăm chậu mà lại để chung cùng một chỗ, do đó chúng ta nên quan sát tình trạng của cây lan mà áp dụng việc tưới nước cũng như bón phân sao cho thích hợp.
Bùi Xuân Đáng